"Giờ đây, kỷ nguyên lộng hành của Mỹ tại Trung Đông đã chấm dứt. Họ phải rời khỏi khu vực", Đô đốc Hossein Khanzadi, tư lệnh hải quân Iran, tuyên bố hôm 29/12 trong cuộc họp báo bên lề cuộc tập trận chung giữa Iran, Trung Quốc và Nga tại vịnh Oman và phía bắc Ấn Độ Dương.
Cuộc tập trận mang tên Vành đai An ninh Hàng hải diễn ra vào 27-30/12 với mục tiêu đảm bảo an ninh thương mại hàng hải quốc tế, huấn luyện chống cướp biển và khủng bố. Moskva điều tàu hộ vệ tên lửa Yaroslav Mudry cùng một tàu tiếp dầu và một tàu kéo, trong khi Bắc Kinh cử tàu khu trục tên lửa Tây Ninh tham gia. "Kết quả tập trận cho thấy Iran không thể bị cô lập", Đô đốc Iran Gholamreza Tahani phát biểu.
Tuy nhiên, thay vì rút quân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thêm hàng nghìn binh sĩ tới Trung Đông để đối phó Iran, giữa lúc hai nước căng thẳng cao độ vì vụ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani ở Iraq hôm 3/1. Trong Công ty dịch thuật Đồng Nai khi đó, Nga và Trung Quốc dường như không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột ngày càng khó lường.
Một tàu chiến trong cuộc tập trận chung giữa Iran, Nga và Trung Quốc tại vịnh Oman hôm 29/12. Ảnh: Reuters . |
Bình luận viên Yaroslav Trofimov của WSJ chỉ ra rằng sau vụ hạ sát Soleimani, phản ứng của Moskva và Bắc Kinh đều dừng lại ở chỉ trích mà không đưa ra cam kết hành động nào, mặc dù họ tỏ ý bênh vực Tehran. Vì vậy, Iran chỉ có thể dựa vào chính họ , cùng mạng lưới dân quân Shiite và các lực lượng ủy nhiệm mà Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds, đã xây dựng tại Lebanon, Iraq, Syria hay Yemen.
"Iran là một trong những quốc gia cô đơn nhất thế giới về mặt chiến lược. Họ coi hàng chục nước là đối thủ, trong khi chỉ có một người bạn đáng tin cậy duy nhất là chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria", Karim Sadjadpour, chuyên gia về Iran tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, cho hay.
Sự đơn độc của Iran được cho là nguyên nhân nước này hành động thận trọng sau cái chết của Soleimani. Tướng Abolfazl Shekarchi, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Iran, nói rằng Tehran sẽ trả thù "dữ dội", nhưng "không vội vàng". Theo Trofimov, đây là dấu hiệu cho thấy Tehran đang tìm cách tránh leo thang ngay lập tức, bởi nó tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh toàn diện với Washington.
Abas Aslani, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông tại Tehran, bổ sung thêm rằng Iran "đang nói về đáp trả, báo thù, không phải bắt đầu một cuộc chiến".
"Nếu xung đột trực tiếp nổ ra, tôi nghĩ Iran cũng không hy vọng Nga và Trung Quốc tuyên chiến với Mỹ vì họ. Moskva và Bắc Kinh chỉ có thể hỗ trợ Tehran theo cách khác, như ủng hộ về mặt chính trị hay trong một số tổ chức quốc tế. Khả năng cung cấp thiết bị cho Iran cũng chưa chắc chắn", Aslani nói.
Bình luận viên Trofimov cho rằng Iran chắc chắn muốn nhận được thiết bị quân sự để thay thế số máy bay, tàu chiến và xe tăng lỗi thời của họ, nhưng Nga và Trung Quốc đều không thể cung cấp số thiết bị đó hợp pháp, ít nhất là tới tháng 10, thời điểm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với hầu hết giao dịch quân sự với Iran hết hạn.
Khó khăn trong việc hỗ trợ Iran thể hiện qua hợp đồng tên lửa S-300 nước này ký với Nga hồi năm 2005. Sau khi Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân, Nga phải hủy hợp đồng vào năm 2010. Quá trình chuyển giao các tổ hợp tên lửa nối lại hồi tháng 4/2015, sau khi 6 cường quốc và Iran đạt thỏa thuận tạm thời về hạt nhân. Trung Quốc cũng từng cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD vào ngành dầu khí Iran, nhưng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ khiến kế hoạch bị đình trệ.
Một yếu tố cần tính đến là cả Nga và Trung Quốc đều duy trì mối quan hệ gần gũi với Arab Saudi và Israel , hai đối thủ "không đội trời chung" của Iran tại khu vực.
Nga và Iran từng chung chiến tuyến tại Syria. Tuy nhiên, khi chính quyền Syria dần ổn định và Nga tìm được chỗ đứng mới tại nước này bằng cách bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây, lợi ích của Nga và Iran ở Syria bắt đầu chia rẽ .
Xét về mặt lịch sử , Nga và Iran cũng từng có nhiều hiềm khích. Người Nga có lẽ không quên vụ sát hại đại sứ Alexander Griboedov, đồng thời là nhà viết kịch nổi tiếng, khi đám đông xông vào sứ quán Nga ở Tehran hồi năm 1829. Iran cũng ủng hộ các phiến quân chống Liên Xô ở Afghanistan vào những năm 1980.
Trong khi đó, ký ức của người Iran bao gồm những vùng đất mà Nga sáp nhập từ đế quốc Ba Tư qua nhiều thế kỷ, cũng như việc Liên Xô kiểm soát nước này vào năm 1920 và 1941.
"Không ai ở Nga thực sự quan tâm về Iran. Họ không coi Iran là đối tác và chắc chắn không phải người bạn đáng để hy sinh", Alexander Gabuev, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moskva, cho hay.
Một người dân cầm ảnh tướng Soleimani trong lễ tang của ông tại thủ đô Tehran, Iran hôm 6/1. Ảnh: Reuters . |
Theo chuyên gia này, Nga và Trung Quốc thậm chí có thể hưởng lợi từ sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Xung đột ở Trung Đông sẽ khiến Mỹ bị phân tâm, giúp họ có thêm thời gian củng cố những lợi ích cốt lõi ở Đông Âu và châu Á.
"Nga không có dù chỉ một chút ý định tham gia vào tình huống tranh cãi này và đang cố gắng tránh nó xa nhất có thể, ngay cả khi tiếp tục lớn tiếng ủng hộ Iran", Ruslan Pukhov, giám đốc Trung Tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moskva, nhận định. "Ít nhất về ngắn hạn, điều này hoàn toàn có lợi cho Nga. Giá dầu đang tăng và Iran, vốn là đối tác khá cứng rắn, buộc phải trở nên hợp tác hơn nhiều".
Dù Trung Quốc hiện là nước mua dầu nhiều nhất từ Trung Đông, giới chuyên gia của nước này từ lâu đã cảnh báo Bắc Kinh nên kiềm chế và tránh nhúng tay vào khu vực đầy biến động, một phần vì dầu vẫn tiếp tục được cung cấp bất chấp loạt xung đột chính trị trong những thập kỷ gần đây.
"Trung Đông không quá quan trọng trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh. Kể từ năm 2011, nhiều nước Trung Đông cùng rơi vào nội chiến, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Trung Quốc", Niu Xinchun, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho biết.
Zhu Feng, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nam Kinh, đánh giá việc Trung Quốc tập trận hải quân chung với Iran "mang tính biểu tượng hơn là thực tế". "Tôi nghĩ Trung Quốc không bận tâm chút nào tới khả năng tham gia vào căng thẳng tại Trung Đông", Feng nói thêm.
Mặc dù Iran không thể trông đợi nhiều vào sự giúp đỡ ngay lập tức từ Nga và Trung Quốc, tình hình trong tương lai có thể sẽ thay đổi, cựu cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Vali Nasr nhận định. "Những gì Washington đang làm khiến Moskva, Bắc Kinh và Tehran dần xích lại gần nhau. Họ có động lực chung nhất định trong việc ngăn cản Mỹ gây áp lực tối đa", ông nói.
"Chúng ta sẽ không thấy ảnh hưởng trong tương lai gần, nhưng sau 10 năm, mọi người sẽ nhận ra rắc rối giữa chính quyền Trump và Iran đã thúc đẩy Nga và Trung Quốc phát triển chiến lược bảo vệ, nhằm đối phó với loại chính sách mà Mỹ đang sử dụng để chống lại Iran hiện nay", Nasr cho hay.
Ánh Ngọc (Theo WSJ )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét