Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Nhà khoa học tìm kiếm vật chủ tiếp theo của nCoV

nCoV được cho là có nguồn gốc từ loài dơi. Ảnh: National Geographic.

nCoV được cho là có nguồn gốc từ loài dơi. Ảnh: National Geographic.

Trong khi Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, phần lớn mối quan tâm dồn vào ngăn chặn sự lây lan phiên dịch của virus và điều trị cho bệnh nhân. Nhưng các nhà vi trùng học nhận định có một mục tiêu cũng đáng chú ý không kém, đó là tìm kiếm vật chủ tương lai. Giới chuyên gia cho rằng virus có thể xâm nhập một loài mới và cố thủ trong cơ thể chúng để tái lây nhiễm cho con người trong thời gian tới.

"Khi virus lan ra khắp thế giới, nó có thể tìm thấy vật chứa hoàn toàn mới bên ngoài Trung Quốc", nhà vi trùng học Ralph Baric ở Đại học Carolina, Chapel Hill, Mỹ cho biết. "Chúng tôi chưa nắm rõ. Đó là điều mọi quốc gia cần suy ngẫm lúc dịch bệnh suy yếu".

Dơi chứa hàng nghìn loại virus corona mà không bị bệnh và virus có khả năng truyền sang loài mới. Đôi khi, chúng đột biến trong quá trình thích nghi với vật chủ mới. Thỉnh thoảng, chúng có thể lây lan mà không biến đổi. Virus corona lây nhiễm sang động vật có vú và chim, bao gồm chó, gà, gia súc, lợn, mèo, tê tê. Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay nhiều khả năng bắt nguồn từ dơi móng ngựa nhiễm virus corona ở Trung Quốc. Từ đó, mầm bệnh có thể truyền sang loài trung gian, sau đó lây sang người.

Các nhà vi trùng học gấp rút nghiên cứu để dự đoán những loài nào có tiềm năng trở thành nguồn chứa virus nhất. Nguy cơ virus xâm nhập loài mới, sau đó động vật này lặng lẽ ấp virus trong thời gian dài trước khi truyền ngược sang người rất thấp, theo Lin-Fa Wang, nhà vi trùng học ở Viện Y tế Toàn cầu Duke tại Singapore. Nhưng chúng ta vẫn cần chuẩn bị trước bởi hậu quả có thể là sự tái trỗi dậy của đại dịch.

Một số vật nuôi có thể nhiễm nCoV, virus gây Covid-19. Một con chó phốc sóc và chó chăn cừu Đức ở Hong Kong thu hút sự chú ý khi nhiễm Covid-19 và gần đây hơn là một con mèo ở Bỉ. Các nhà nghiên cứu quan tâm rộng rãi tới bất kỳ động vật nào nhiễm nCoV, dù chúng có đổ bệnh hay không. Điều đó rất quan trọng bởi virus có thể lây lan giữa nhiều động vật mà không bị phát hiện trước khi truyền trở lại con người.

Một phương pháp nhà vi trùng học dùng để dự đoán vật chủ tiềm năng của virus là sử dụng mô hình máy tính 3D. Để virus xâm nhập tế bào và nhân lên, protein hình gai của nó phải liên kết chặt chẽ với thụ thể protein ở bề mặt tế bào. Thụ thể gọi là protein ACE2 là chốt cửa và protein hình gai là chìa để mở khóa. Mô hình máy tính 3D sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định loài vật nào có thụ thể ACE2 có thể "mở khóa" bằng protein hình gai của virus. Bằng cách so sánh những thụ thể ACE2, một nghiên cứu công bố hồi tháng 3/2020 xác định một số loài mà nCoV có thể lây nhiễm, bao gồm tê tê, mèo, trâu, bò, dê, cừu, chim bồ câu, cầy hương và lợn.

Phương pháp khác có thể giúp các nhà khoa học tìm kiếm vật chủ tiềm năng là để tế bào của nhiều động vật khác nhau tiếp xúc với virus nhằm xem xét loài nào thực sự có thể lây nhiễm. Đây là những gì phòng thí nghiệm của Baric đang làm, với trọng tâm là hàng loạt động vật tại Mỹ, bao gồm gia súc. Thí nghiệm gần đây cho thấy những tế bào chứa protein ACE2 từ người, dơi móng ngựa, cầy hương và lợn vẫn có thể nhiễm nCoV trong khi chuột thì không.

Sau khi nắm rõ tế bào của loài nào có thể nhiễm nCoV trong phòng thí nghiệm, việc cần thiết là tiến hành kiểm tra với động vật sống trong môi trường có kiểm soát, theo Baric. Viện Friedrich-Loeffler Institut, tổ chức nghiên cứu của chính phủ Đức chuyên về sức khỏe và phúc lợi động vật, đang cho lợn, gà, dơi quạ và chồn sương tiếp xúc với nCoV để tìm hiểu liệu những loài này có thể lây nhiễm không và virus có thể nhân lên trong cơ thể chúng hay không. Nếu chúng nhiễm nCoV, các động vật trên sẽ được bị coi là nguồn chứa virus tiềm ẩn. Kết quả ban đầu cho thấy dơi quạ và chồn sương dễ nhiễm virus trong khi lợn và gà thì không.

Một nghiên cứu tương tự của Viện Thú y Cáp Nhĩ Tân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố hôm 30/3 trên trang bioRxiv phát hiện virus nhân lên kém ở chó, lợn, gà và vịt, nhưng phát triển tốt ở chồn sương và mèo, trong đó mèo có thể phát tán virus qua những giọt dịch nhầy bắn ra từ hệ hô hấp. Wang nhấn mạnh đó là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nên chưa chắc xảy ra trong thực tế. Baric cũng cho rằng việc quan trọng không kém là kiểm tra động vật trong môi trường tự nhiên của chúng. "Virus corona thường xuyên thay đổi vật chủ. Do đó, bạn cần phải ra ngoài và khảo sát động vật hoang dã", Baric nói.

Trong số động vật dễ nhiễm virus, những loài có khả năng cao nhất cũng ở cạnh con người thường xuyên nhất, theo nhà sinh thái học dịch bệnh Peter Daszak, giám đốc tổ chức EcoHealth Alliance. Daszak là thành viên đoàn khảo sát năm 2017 từng cảnh báo về sự tồn tại của nhiều virus giống SARS trong hang dơi ở miền nam Trung Quốc. Thời gian ở bên càng nhiều, virus càng có cơ hội truyền từ người sang động vật. Ngay cả khi virus truyền sang loài mới, không có gì đảm bảo chúng sẽ ở lâu dài trong động vật đó. Có nhiều yếu tố góp phần quyết định một động vật không chỉ trở thành vật chủ chứa virus mà còn là vật chủ trung gian tái lây lan virus sang người.

Nếu virus có thể lây nhiễm sang vật nuôi, nó có khả năng gây bệnh nặng hoặc chết hàng loạt. Trong trường hợp đó, virus sẽ dễ bị phát hiện và dịch bệnh được kiểm soát. Virus cũng có thể gây ra những triệu chứng không chuyên biệt ở động vật như tiêu chảy, thường gặp ở nhiều bệnh phổ biến; hoặc virus có thể không gây triệu chứng nào, thay vào đó nó sẽ tuần hoàn thầm lặng và không bao giờ quay lại truyền sang người. Theo Daszak, phương pháp theo dõi tốt nhất là kiểm tra kháng thể chống virus ở các loài, dấu hiệu cho thấy động vật chiến đấu thành công trước virus.

An Khang (Theo National Geographic )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét